(41): “Kế hoạch A..”

Buổi sáng ngày 7 tháng 10 là buổi sáng cuối cùng tôi ở bệnh viện điều trị Covid.

Sau đúng 67 ngày, tôi được dìu xuống tầng 1 và ngồi trong một phòng khử khuẩn kéo dài đúng một tiếng. Cảm giác được đứng dưới đất, lúc được mặc lại bộ quần áo mình đã mặc khi vào đây hơn 2 tháng trước, quỵ luỵ phải bấu víu để giữ thăng bằng cho đôi chân đứng vững, lúc ngắm nhìn cơ thể mình thấy đã không còn được như trước nữa, hơn cả những thói quen, tôi cố sức tìm ra những câu từ phù hợp để diễn tả cảm xúc này. Cảm xúc ấy như một thứ gì đó khó mường tượng được, ước gì việc hình dung ra nó dễ dàng như nở một nụ cười giả dối, ngâm nga một đoạn bài hát với giai điệu quen thuộc, hay tô kín phương án trong một bài kiểm tra thời đi học thì tốt biết mấy.

Tôi được bệnh viện tặng một giấy chứng nhận, đứng trước khu công bố khỏi bệnh ở giữa khoảng sân trống một mình, tôi nhớ lại những suy nghĩ mà khi ở trên kia tôi đã mường tượng ra. Tôi đã từng nghĩ rằng mình không thể nào đứng đây được, không thể an lành mà vượt qua cái hạn này được, hoặc có ra khỏi đây cũng không thể nào ra theo tư thế đứng và đi lại được. Bất chợt một tràng vỗ tay phát ra từ góc cao nhất, nơi điều trị tích cực cho những bệnh nhân nặng nhất. Đó là những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý từng điều trị và chăm sóc cho tôi trong những tháng ngày thực sự thập tử nhất sinh. Cúi gập người xuống xúc động để cảm ơn, và vì không nói được to, nên cũng chẳng nói được gì cả, chỉ còn là những ánh mắt trân trọng và tiếc nuối khi không được gặp và nói lời tạm biệt với họ lúc này. Đốc tờ H, người luôn hóm hỉnh trong mọi thời điểm đã giơ tay lên chào kiểu lính với tôi và vẫy tay thật mạnh, anh vẫy tay khi tay vẫn còn đang cởi găng tay dở. Tôi luôn nhớ những ánh mắt của anh khi công bố một người nào đó tử vong, và cách anh luôn bấu mạnh vào vai tôi khi đi qua giường tôi nằm, như kéo tôi thức tỉnh dậy để đối diện với nhiều sự thật khi ấy.

Một bất ngờ thực sự đẹp đẽ nữa, là bên ngoài cổng, những đồng đội của tôi trong những bộ cảnh phục sáng lạng nhất đang chờ. Đó là những người anh em thân cận và vững chắc nhất mà tôi từng có. Các bạn vỗ tay và chào điều lệnh với tôi, chúc mừng tôi đã trở về. Buồn cười mà nói, để mường tượng ra khung cảnh này, chắc phải gắn vào những cảnh đón nhau ra tù của giới giang hồ, trông thật là đáng vênh váo hết mức. Một đứa em nói với tôi: “Anh có về thế nào thì anh em vẫn sẽ đón anh thế này, anh về thế này là kế hoạch A mỹ mãn nhất rồi…“. Những kế hoạch A trong công việc của chúng tôi là những kế hoạch dễ dàng và tích cực nhất. Mới cuối tháng 7 thôi, đoàn xe của chúng tôi lặng lẽ đi theo xe chở đồng đội vào nhà tang lễ trong một rạng sáng mưa tầm tã, thì hôm nay, mọi người cũng vẫn lặng lẽ như vậy theo sau xe cấp cứu đưa tôi trở về nhà. Tôi có về bằng cách nào thì mọi người cũng vẫn sẽ đón như thế, tuyệt nhiên tôi rất lấy làm vui mừng vì có những khoảnh khắc bình dị thế này.

Ngồi trên chuyến xe rời đi, tôi nhớ chuyến xe như này vào hai tháng trước, 6 người chúng tôi vẫn còn đùa giỡn cười cợt với nhau về lần đi cách ly này. Tôi thậm chí còn ngồi chơi guitar, trước đó đã rất nhiều lần phải đi cách ly, nên tất cả chúng tôi không hề có một nỗi lo sợ nào cả. Ngay cả khi cả bọn đều dính, nằm nhắn tin check tình hình của nhau mỗi ngày, cười nói phớ lớ như có một kỳ nghỉ thoải mái, tôi cũng không hề ý thức được điều gì sắp đến cả. Chưa một phút giây nào khi ấy tôi nghĩ rằng, cái kết của chuyến xe này sẽ mất đi một người. Chúng tôi dần mất liên lạc với nhau ở tuần thứ 2, khi những triệu chứng mệt mỏi và bệnh nền bắt đầu nổi lên trở nặng. Đến cái thời điểm mà chỉ nghe tin về nhau thông qua câu trả lời vắn tắt của một nhân viên y tế nào đó, hay thậm chí còn phải đánh bắt thông tin từ người nhà của nhau. Bốn người trước đã lần lượt ra về, tôi là người cuối cùng rời khỏi đó. Một đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ở lại với những ngày tháng này, nhưng vì lời hứa với cậu ấy, tôi sẽ không viết lên đây.

Đủ quá tam ba bận được bệnh viện gọi về nhà báo tình hình chuyển xấu, tôi chưa từng thấy gia đình có sự quyết định đến cuộc đời tôi đến thế. Tri thức lớn nhất mà đại dịch này đã chỉ ra cho tôi thấy là bài học của sự vô thường. Tôi nhận ra rằng từng cá thể con người, cho dù có khác biệt nhau bao nhiêu đi nữa, vẫn buộc phải giống nhau ở các nhu cầu căn bản là ăn, ngủ, yêu đương, bài tiết, và trên hết là không thể thoát khỏi vòng sinh già bệnh chết. Khi cơn vô thường ghé ngang, mọi thứ phân biệt dừng lại. Lúc tôi đang nhiễm bệnh, tôi luôn mơ ước mình đang được ở nhà, bên cạnh đầy đủ người thương quý. Mỗi người cùng nằm với tôi, họ đều có một ước mơ cốt lõi nào đó khi đang trong cơn nguy kịch. Tôi sẽ lưu giữ cuốn sổ tay mà tôi đã nắn nót viết tên từng người tử vong, tôi sẽ cố gắng nhớ mãi những ký ức cuối cùng của họ. Đó là thời điểm tôi cảm nhận rõ những gì cốt lõi nhất.


Ngày trước, không phủ nhận là đôi khi vì cảm thấy buồn chán, tôi đã viết ra những thứ tự cảm thấy êm dịu đưa lên mạng để trấn an chính mình. Bây giờ thì thôi, khi nào cảm thấy buồn chán và vô vị, tôi sẽ chẳng viết gì cả. Đến một lúc nào đó, tự nhiên lúc nào cũng nói về những ngày dịu dàng, những niềm vui khi cảm thấy mưa, thấy gió, thấy nắng hanh hao hay trời lạnh sẽ trở nên buồn cười và khó hiểu. Cuộc sống này không phải lúc nào cũng an lành và vẹn tròn như những gì người ta thể hiện ra cho người ta thấy. Ngày ngày qua qua mà cảm thấy như một giấc ngủ mãi chưa dậy..

Bài post này cũng sẽ kết thúc chuỗi những chương đen tối của chính tôi trong thời gian qua. Thú thực là thứ ngôn ngữ tôi viết lên đã khiến rất nhiều người cảm thấy một cái gì đó không lành mạnh cho lắm, có nhiều bạn đã email và direct qua instagram cho tôi về những gì các bạn ấy nghĩ khi đọc. Tôi nhận ra rằng chính tôi đã quá ruồng rẫy cho bản thân mình xả ra những tín hiệu không lạc quan trong lúc bệnh tật, chứ bình thường tôi không thế. Tôi vẫn là một sinh vật muôn thuở thất bại. Thú thực thì những ngày tiếp sau này tôi chẳng biết làm gì hơn là vun vén cho mọi thứ quanh mình tròn vẹn, nhưng lại sợ sự tiện nghi và đủ đầy này làm chạnh lòng người đang vật lộn với khó khăn ngoài kia. Tôi cũng không muốn lan toả năng lượng tiêu cực, sự thiếu thốn hay lo lắng đến bất kỳ ai cả.

Lúc này, vui hay buồn đều khó lòng mà nói ra. Tôi mong cho mọi người sức khoẻ, dù đang ở bất cứ đâu.

Xin trân trọng và cảm ơn các bạn rất nhiều, vì đã luôn đọc và thấu hiểu nhau..
Từ tận đáy lòng,
Kiuden.

20 bình luận về “(41): “Kế hoạch A..”

Add yours

  1. Có đôi khi, tiêu cực hay tích cực không phải ở anh “toát” ra qua câu chữ, mà là ở cái cách các bạn đọc tiếp nhận câu chuyện. Quan điểm, suy nghĩ và cả những sự sợ hãi bên trong của các bạn sẽ được phản chiếu qua cách các bạn tiếp nhận một vấn đề. Nên anh đừng trách bản thân về những bài viết anh nghĩ rằng không tươi sáng.
    Và cũng đừng nghĩ mình là 1 người chỉ toàn thất bại. Em thấy có một chị bình luận rằng: anh ở đây để cho mọi người thấy được nhiều-sự-thật. Bình luận đó đúng. Và đó cũng chính là 1 giá trị mà anh đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra. Giá trị tinh thần tuy vô hình nhưng với những ai cảm nhận được thì nó là vô giá.
    Anh còn có trang trại Cầu Vồng, nơi em tin rằng chứa đựng nhiều tính “nhân” chân thật nhất. Đó cũng chính là một giá trị vô cùng to lớn. Vậy nên một lần nữa em muốn nhấn mạnh cùng khẳng định rằng: anh không phải một người không làm được gì như cách anh vẫn tự viết về mình như thế. Đọc những lời anh tự nói mình như thế, thật không vui chút nào. Vì làm sao em có thể ngưỡng mộ, tôn trọng một người như anh-nghĩ-anh-là chứ!

    Thích

  2. Chúc mừng Kiuden đã trở lại, mạnh mẽ và lợi hại hơn xưa 🙂 Mà sao mình đọc mấy bài viết “đen tối” của bạn, mình chỉ thấy ngạc nhiên – buồn – rồi quan trọng nhất là thấy mình may mắn và phải trân trọng cuộc sống này hơn. Dù sao thì Kiu có viết về chủ đề gì, mình thấy đều có dấu ấn cá nhân rất riêng. Mong bạn nghỉ ngơi và sớm khoẻ lại như trước nhé ☺️

    Đã thích bởi 2 người

    1. Cảm ơn Chính An, mệt quá anh chả buồn viết lách nữa. Hàng ngày vẫn nghiêm túc nằm coi hình của bác Norah và cuộc sống thú vị của bạn Huyền trên ig haha.. 😂

      Đã thích bởi 5 người

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia